top of page

Tìm hiểu toàn bộ nghi thức lễ cưới Công giáo

Lễ cưới Công giáo là nghi thức không còn xa lạ tại Việt Nam. Những đám cưới Công giáo được tổ chức tại nhà thờ luôn mang lại những hình ảnh đẹp và ý nghĩa thiêng liêng đối với cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa. Trong bài viết này, hãy cùng WEDDINGBOOK tìm hiểu toàn bộ nghi thức cưới này nhé!

1. Phong tục lễ cưới Công giáo ở Việt Nam


Đám cưới Công giáo (hay có tên khác là Bí Tích Hôn Phối) là nghi thức lễ cưới của các cặp đôi theo đạo Thiên Chúa Giáo được cử hành riêng tại nhà thờ. Trước sự chứng kiến của Chúa và Cộng Đoàn, đây được xem là một nét văn hóa thiêng liêng và độc đáo trong đời sống tôn giáo của cộng đồng người theo đạo Công giáo tại Việt Nam.


Để cử hành một lễ cưới Công Giáo đúng chuẩn, được công nhận bởi gia đình và cộng đồng giáo dân, các dâu rể cần phải đáp ứng được 3 điều kiện là:


  • Cô dâu hoặc chú rể phải là người theo đạo Công giáo

  • Hoàn thành và có chứng chỉ khóa học giáo lý tiền hôn nhân do nhà thờ tổ chức trước đó khoảng 3-6 tháng

  • Có giấy đăng ký kết hôn hợp pháp



Nếu cô dâu hoặc chú rể KHÔNG theo đạo Công giáo sau khi kết hôn, nghi thức đám cưới Công giáo ở nhà thờ lúc này sẽ được gọi là “Phép Chuẩn”, thời gian diễn ra sẽ ngắn gọn và đơn giản hơn với sự làm chứng của một vài người. Trong trường hợp này, “Phép Chuẩn” là nghi thức được giáo quyền chuẩn bị trước để Thành Hôn cho 1 người đã chịu phép rửa tội và 1 người chưa được rửa tội.


2. Nghi thức lễ cưới Công giáo trước ngày đám cưới


Với nhiều tính chất thiêng liêng và ý nghĩa, để đảm bảo cho lễ cưới Công giáo được diễn ra suôn sẻ và chỉn chu các cặp đôi cần phải chuẩn bị khá nhiều thứ trước ngày đám cưới chính thức diễn ra, cụ thể như:


2.1. Cặp đôi ra mắt Cha quản giáo xứ


Hôn nhân và tình cảm gia đình là những điều rất được coi trọng trong đạo Công giáo. Tình yêu và quyết định kết hôn của mỗi cặp đôi phải là điều tự nguyện đến từ hai phía và không bị ràng buộc hay thúc ép bởi bất kỳ yếu tố nào. Chính vì vậy, khi đôi bạn đã có quyết định đi đến đám cưới cần sớm có sự ra mắt gia đình hai bên để thông báo và khẳng định mối quan hệ tình cảm lứa đôi, đồng thời nhận được sự ủng hộ từ người lớn trong nhà.



Sau khi ra mắt gia đình, cặp đôi sẽ tiếp tục đến trình diện Cha xứ nơi cô dâu, chú rể sinh sống. Cha xứ sẽ là người hướng dẫn hai bạn những việc cần làm cho một lễ cưới Công giáo đúng chuẩn và cách học giáo lý tiền hôn sao cho thuận tiện nhất. Thời điểm ra mắt lý tưởng nhất nên là 9 đến 12 tháng trước ngày dự định tổ chức đám cưới vì có khá nhiều thứ cần phải hoàn thành và chuẩn bị.


2.2. Chọn ngày cử hành lễ cưới Công Giáo


Bên cạnh ngày tổ chức lễ Dạm Ngõ, Vu Quy và Thành Hôn do gia đình quyết định. Ngày cử hành đám cưới Công giáo sẽ do chính Cha quản giáo xứ chọn riêng cho mỗi cặp đôi dựa trên lịch Công giáo. Các cặp đôi nên gặp Cha xứ xin định ngày làm lễ cưới Công giáo sau khi gia đình đã đồng ý và thống nhất thời gian làm các lễ cưới truyền thống để các mốc thời gian có thể phù hợp với nhau.


2.3. Học giáo lý hôn nhân


Giáo lý hôn nhân trong đạo Công giáo bao gồm những bài học về mối quan hệ hôn nhân, gia đình, các kiến thức sinh sản, giáo dục, trách nhiệm đối với vợ, chồng, gia đình, con cái và xã hội,… được giáo hội chuẩn bị cho các bạn trẻ trước khi bắt đầu xây dựng gia đình mới & được Cha cố thụ giảng.


Thời gian học và lấy chứng chỉ giáo lý hôn nhân được quy định theo tôn giáo của đôi bạn, cụ thể:


  • Nếu cả hai bạn đều theo đạo Công giáo, thời gian học giáo lý sẽ là 12 buổi (tương đương với 6 tháng).

  • Nếu 1 trong 2 bạn không theo đạo Công giáo, cặp đôi sẽ phải liên hệ với Linh mục để xin “Đơn chuẩn hôn khác đạo”, sau đó người không theo đạo Công giáo sẽ phải đăng ký học thêm Giáo lý tân tòng khoảng 4 - 8 tháng trước khi học Giáo lý hôn nhân. Chính vì cần thực hiện nhiều bước hơn nên thời gian học Giáo lý hôn nhân trong trường hợp này thường kéo dài từ 10 đến 12 tháng.


Kết thúc khóa học Giáo lý hôn nhân, cặp đôi sẽ được cấp Chứng chỉ giáo lý hôn nhân do Linh mục quản xứ công nhận và xem như đủ 1 trong 3 điều kiện cử hành lễ cưới Công giáo.

2.4. Đăng ký Hôn Phối


Để đăng ký Hôn Phối, dâu rể phải chuẩn bị một hồ sơ gửi đến nhà thờ nơi hai bạn muốn cử hành lễ cưới Công giáo. Khi đến gửi hồ sơ cho Cha xứ thụ lý, cặp đôi nên đi cùng cha hoặc mẹ hoặc người thân thiết nhất trong gia đình để trình diện. Việc đăng ký Hôn Phối có thể tiến hành ở nhà trai, nhà gái hay nơi hai bạn cư trú đều được. Khi trình diện Cha xứ để nộp hồ sơ đăng ký Hôn Phối, mỗi người sẽ lần lượt được gặp riêng Cha để trò chuyện và giải bày thắc mắc (nếu có). Cuối cùng, sau khi hồ sơ đăng ký được chấp nhận, Cha sẽ quyết định thời gian và địa điểm tổ chức lễ cưới Công giáo cho cặp đôi.


Hồ sơ đăng ký Hôn Phối cần chuẩn bị bao gồm:

  • Giấy giới thiệu của Cha xứ nơi học Giáo lý hôn nhân

  • Chứng chỉ Rửa tội mới nhất (< 6 tháng)

  • Chứng chỉ Thêm sức

  • Chứng chỉ hoàn thành Giáo lý hôn nhân

  • Giấy đăng ký kết hôn theo luật dân sự

  • Sổ gia đình Công giáo (bản gốc)

  • Đối với hôn nhân khác đạo, cần thêm Giấy miễn chuẩn ngăn trở do Đấng Bản Quyền cấp


2.5. Rao Hôn Phối


Sau khi Cha xứ thụ lý hồ sơ Hôn Phối xong, cặp đôi sẽ được yêu cầu điền Tờ khai Hôn Phối để Cha lập tờ Rao Hôn Phối và bắt đầu rao liên tiếp trong ba Chúa nhật ở cả hai bên giáo xứ nhà trai, nhà gái nơi đôi bạn đang cư trú. Mục đích của việc làm này là thông báo đến tất cả mọi người trong cộng đoàn biết về hôn lễ của đôi bạn, gửi lời cầu nguyện tốt lành và giải quyết những ngăn trở nếu có trước khi lễ cưới Công giáo được ấn định tổ chức.


2.6. Gửi thiệp mời khách đến lễ cưới Công giáo


So với các mẫu thiệp cưới truyền thống, thiệp mời tham dự đám cưới Công giáo thường có sự giản lược nhiều về màu sắc và cách trình bày thông tin. Thay các họa tiết hoa lá trang trí bình thường bằng những hình ảnh đặc trưng của đạo Thiên chúa như quyển kinh thánh, cây thánh giá, ngọn nến,…


Trên thiệp in thêm những lời ban chúc của Chúa và đưa thông tin địa điểm nhà thờ nơi cô dâu - chú rể tổ chức lễ Hôn Phối lên đầu tiên để thể hiện sự biết ơn và trân trọng nghi thức cưới hỏi này, đồng thời tránh sự nhầm lẫn cho khách mời.


3. Nghi thức lễ cưới Công giáo trong ngày đám cưới


Trong chuỗi nghi thức lễ cưới Công giáo, bên cạnh việc thực hiện cưới hỏi theo phong tục tôn giáo ở nhà trai, nhà gái thì các cặp đôi cần cử hành thêm thánh lễ Hôn Phối tại nhà thờ với nhiều thủ tục và đặc trưng độc đáo của đạo Công giáo


3.1. Nghi thức lễ cưới Công giáo tại nhà thờ


Thẩm vấn cô dâu - chú rể


Mở đầu nghi thức đám cưới Công giáo, chủ hôn đồng thời là Cha xứ sẽ hỏi dâu rể 3 câu hỏi lần lượt liên quan đến sự tự do, trách nhiệm yêu thương nhau suốt đời và sự chuẩn bị cho con cái. Mục đích là để cặp đôi ý thức rõ sự trưởng thành và mục đích của hôn nhân.


Cặp đôi trao lời thề nguyện


Trước sự làm chứng của Chúa, Cha xứ, đại diện hai bên gia đình và khách mời tham dự lễ cưới Công giáo tại nhà thờ, cô dâu & chú rể sẽ lần lượt đọc lời thề nguyện (Wedding Vows) nhắc lại những kỷ niệm tình yêu, ấn tượng về nhau và thể hiện cam kết gắn bó, hứa hẹn sẽ chung thủy, bên nhau trọn đời trong mối quan hệ hôn nhân sắp tới.

Làm phép và trao nhẫn cưới


Khi thủ tục hẹn ước hoàn thành, chủ hôn là Cha xứ sẽ tuyên bố cặp đôi chính thức trở thành vợ chồng. Cô dâu, chú rể có thể trao nhau nhẫn cưới và ghi lại những hình ảnh ý nghĩa đánh dấu giây phúc thiêng liêng và hạnh phúc này.


Tùy theo địa phương, một số đám cưới Công giáo sẽ có thêm nghi thức thắp nến trong phần lễ này. Khi đó, cô dâu - chú rể sẽ dùng cây nến được chuẩn bị cho riêng mỗi người cùng nhau thắp sáng một ngọn nến chung, đánh dấu khoảnh khắc hai người chấm thức chấm dứt cuộc sống cá nhân bước vào một chặng đường mới có đôi có cặp bên nhau.


Ký tên vào Sổ Hôn phối


Sổ Hôn Phối là vật được lưu trong văn khố của giáo xứ, khi nghi thức lễ cưới Công giáo sắp hoàn thành, cô dâu - chú rể sẽ cùng nhau ký tên vào Sổ Hôn Phối trước sự chứng giám của Linh mục và Chủ hôn.


Phát biểu cảm ơn và kết thúc lễ cưới nhà thờ


Kết thúc buỗi lễ, cặp đôi nên chuẩn bị đôi lời phát biểu cảm ơn Cha chủ trì, cũng như toàn thể gia đình, người thân, ca đoàn, ban ngành đã ủng hộ sự chuẩn bị lễ cưới Công giáo này và dành thời gian đến nhà thờ tham dự.



3.2. Lễ cưới Công Giáo tại nhà trai


Tại nhà trai, công đoàn sẽ làm lễ trình diện Thiên Chúa và ông bà tổ tiên trong nhà. Thực hiện một số nghi thức truyền thống trong đám cưới Công giáo như công bố lời Chúa trong “Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Ê-phê-sô”, cùng nhau đọc lời nguyện Cộng đoàn và hát những bài thánh ca như “Hồng ân Thiên Chúa bao la” hay “Đâu đó có tình yêu thương”.


3.3. Lễ cưới Công Giáo tại nhà gái


Tại nhà gái, nhà trai sẽ mang đến các mâm lễ vật hỏi cưới, chào hỏi và ngỏ lời xin dâu. Nhà gái sẽ đón tiếp và lật lượt giới thiệu các thành viên đại diện của hai bên gia đình. Sau đó, nhà chồng sẽ trao vàng cưới và trang sức cho cô dâu mới, sau đó cặp tân hôn sẽ cử hành lễ gia tiên, dâng hương lên bàn thờ ông bà, thực hiện một số nghi thức tạ ơn Thiên Chúa và cộng đoàn sẽ đồng ca bài “Xin dâng” trước khi kết thúc buổi lễ ở nhà gái.


4. Nghi thức lễ cưới Công Giáo sau đám cưới


4.1 Chụp ảnh kỷ niệm


Trước và trong quá trình cử hành đám cưới Công giáo, hầu hết các cặp đôi đều giành toàn tâm toàn ý cho các khâu chuẩn bị và thực hiện nghi thức cưới thiêng liêng, trọng đại này và hẳn là không có thời gian chụp ảnh kỷ niệm lần lượt với từng vị khách mời. Chính vì thế, thời gian sau lễ cưới chính là lúc phù hợp nhất để cùng nhau lưu lại những phút giây hạnh phúc trong ngày đặc biệt này.



Đặc biệt, trong quá trình cử hành đám cưới tại nhà thờ các cặp đôi cũng nên cân nhắc việc mời thêm ekip quay phóng sự cưới để có thể ghi lại trọn vẹn lễ cưới Công giáo của riêng mình bằng cả Video lẫn hình ảnh. Lưu ý nhỏ là đôi bạn nên ưu tiên các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm và am hiểu về nghi thức cưới Công giáo để tránh việc ảnh hưởng đến bầu không khí trang nghiêm, ý nghĩa của buổi lễ.


4.2 Tổ chức tiệc cùng gia đình


Kết thúc ngày tổ chức lễ cưới, các gia đình thường chuẩn bị tiệc cưới tại gia hoặc nhà hàng để chung vui với bạn bè, người thân trong giáo xứ nhằm chúc mừng cho đám cưới Công giáo của đôi tân hôn diễn ra được thành công tốt đẹp và gắn kết tình cảm làng xóm.


5. Các hạng mục trang trí đám cưới Công Giáo


Trang trí bàn thờ Chúa


Trong hôn lễ Công giáo, dâu rể vẫn được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà. Vì vậy, trong trường hợp gia đình không có bàn thờ tổ tiên cũng có thể lập một bàn nhỏ dưới bàn thờ Chúa với lư đèn, bình hoa đơn giản để cử hành lễ gia tiên tại tư gia.


Đối với bàn thờ Chúa, nên chú ý lau dọn thật sạch sẽ và gọn gàng. Có thể trang trí thêm một ít hoa tươi và câu khẩu hiệu như “Sự gì Chúa đã sắp đặt loài người không được phân ly” hay “Thiên Chúa là tình yêu”,… nhưng tuyệt đối không nên bày thêm trái cây lên bàn thờ.


Trang trí lễ đường nhà thờ


Đối với việc chuẩn bị cho một đám cưới Công giáo, các nhà thờ ở Việt Nam thường có sẵn hoa và ruy băng đơn giản để trang trí cho lễ đường. Tuy nhiên, nếu muốn hôn lễ của mình được đặc biệt và ý nghĩa hơn, dâu rể có thể liên hệ trước với Cha xứ để hỏi về việc trang trí thêm hoặc thay đổi loại hoa phù hợp.



6. Trang phục trong đám cưới Công Giáo


Mặc dù không có quy định cụ thể về loại trang phục chính xác mà dâu rể phải mặc trong các đám cưới Công giáo. Tuy nhiên vì tính chất thiêng liêng và ý nghĩa của nghi thức này, các cặp đôi cũng không nên ăn mặc tùy ý mà nên hỏi trước những người có kinh nghiệm hoặc Cha xứ. Đặc biệt các cô dâu nên tránh các lễ phục có kiểu dáng cúp ngực, cắt xẻ táo bạo hay ren xuyên thấu để tránh làm mất đi không khí trang nghiêm của lễ cưới tại nhà thờ.


Nếu ngày xưa chỉ có có áo dài truyền thống là lễ phục cưới phổ biến tại nhà thờ, thì ngày nay các mẫu váy cưới cách tân thiết kế có tay, kín đáo nhưng vẫn không kém phần tôn dáng được các cô dâu lựa chọn nhiều hơn.


Xem thêm nhiều nội dung hơn tại Blog Cưới WEDDINGBOOK:
Bài Viết Nổi Bật
Hashtag
bottom of page