top of page

Chi tiết nghi thức lễ Hằng Thuận trong đám cưới

Lễ Hằng Thuận, một nghi thức cưới độc đáo trong hôn lễ của các cặp đôi gia đình Phật tử được tổ chức tại chùa sẽ có những nghi thức và điều gì thú vị? Hãy cùng WEDDINGBOOK tìm hiểu chi tiết về các nghi thức lễ Hằng Thuận và lưu ý trong đám cưới ở chùa trong nội dung bên dưới nhé!

1. Lễ hằng thuận là gì?


1.1. Khái niệm lễ Hằng Thuận


Lễ Hằng Thuận là một nghi thức cưới đặc biệt dành cho các dâu rể trong gia đình phật tử. Các lễ Hằng Thuận thường được tổ chức theo quy cách trang nghiêm tại chùa, thiền viện hay nhà thờ tổ của dòng họ trên tinh thần tự nguyện của phật tử, với mong muốn mang lại phước lành, hạnh phúc và bình an cho cặp đôi mới cưới, cùng gia đình hai bên.


Khai niệm lễ Hằng Thuận là gì

Nếu căn cứ trên tên gọi để định nghĩa thì “Hằng” có nghĩa là mãi mãi, tượng trưng cho sự thường xuyên và trường tồn, còn “Thuận” là từ đại diện cho sự yên ấm, hòa hợp. Ghép lại “Hằng Thuận” có ý nghĩa nói đến truyền thống gia đình hòa thuận, vợ chồng tôn trọng, tương kín, nhường nhịn lẫn nhau, độ lượng với mọi người xung quanh.


1.2. Nguồn gốc lịch sử lễ Hằng Thuận


Lễ Hằng Thuận có nguồn gốc từ vương thành Kapilavastu, cố hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi còn tại thế, trong một lần trở về kinh thành, Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn được mời ở lại hoàng cung chứng giám cho hôn lễ của Vương tử Mahanama. Tại đây, thuận theo nhân duyên Đức Phật cũng truyền dạy những bổn phận quan trọng của vợ chồng, những lẻ sống đúng đắn tạo nên lòng tin và sự tin tưởng cho cả hai bên gia đình, cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm đối với gia đình, con cái trong tương lai.


Ngài mong cả hai vợ chồng sẽ có thể san sẻ khó khăn, bên nhau suốt đời hóa giải những gian khổ, nghiệp chướng có thể gặp phải trong cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ nhau tạo ra nhiều nghiệp thiện, can trừ ác nghiệp.


Lễ Hằng Thuận có nguồn gốc như thế nào

Đám cưới ở chùa đầu tiên tại Việt Nam được biết đến là hôn lễ của ông Hoàng Văn Tâm với bà Lê Thị Hoành, con gái đầu lòng của bác sĩ phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám. Đám cưới được tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) vào năm 1930 và được tư liệu lưu truyền là lễ Hằng Thuận điển hình đầu tiên được tổ chức trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.


Năm 1971, lễ kết hôn tại chùa được chính thức đặt tên là lễ Hằng Thuận trong tiếng Việt bởi Hòa thượng Thích Thiện Hòa.


2. Ý nghĩa lễ Hằng Thuận


Ngày nay, lễ Hằng Thuận ngày càng được biết đến rộng rãi và được các gia đình phật tử xem như một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong đám cưới với nhiều ý nghĩa:


2.1. Ý nghĩa lễ Hằng Thuận đối với gia đình mới


Một khi tự nguyện tổ chức lễ Hằng Thuận, các cô dâu chú rể đã có ý thức về trách nhiệm đối với cuộc hôn nhân mà mình muốn tạo dựng. Trong không gian tâm linh, mang đậm dấu ấn Phật pháp, cặp vợ chồng mới cưới sẽ cử hành một số nghi lễ để chứng minh điều đó với Đức Phật, đồng thời nhờ các Sư tăng và phật tử làm chứng cho hôn sự.


Ý nghĩa của việc làm lễ Hằng Thuận

Ngoài ra, trong lễ Hằng Thuận các cặp đôi cũng có cơ hội nhận những lời giáo huấn, chỉ dạy quý báu của các Sư thầy chủ lễ về nghĩa vụ, bổn phận của người làm chồng, làm vợ, cũng như cách giữ gìn ngũ giới giúp đỡ nhau tu tập để cuộc sống gia đình luôn giữ được sự an nhiên, vợ chồng chung sống hạnh phúc hòa thuận tránh mâu thuẫn dẫn đến cãi vã, đỗ vỡ. Đồng thời hướng đến con đường chánh thiện, làm trọn nghĩa vụ đối với quê hương đất nước, trở thành một “tế bào” tốt trong xã hội.


2.2. Ý nghĩa lễ Hằng Thuận đối với mọi người xung quanh


Không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần vô cùng to lớn đối với các cặp đôi sắp cưới và gia đình mới, lễ Hằng Thuận còn tạo sinh thêm phước báu cho gia đình, họ hàng hai bên. Nhờ các nghi thức lễ Phật, nghe Pháp ở nhà chùa thanh tịnh, dùng cơm chay nhẹ nhàng giảm bớt nghiệp sát sinh nhiều sinh vật sống khi làm lễ cưới tại gia, giúp chuyện hỷ sự tăng thêm phước lành.


3. Có nên làm lễ Hằng Thuận không?


Lễ Hằng Thuận không chỉ là nghi lễ mang nét đẹp văn hóa tâm linh mà còn là cơ hội để các cặp đôi phật tử được nghe chư Tăng giáo hóa, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống và định hướng cho các gia đình phật tử một lối sống ‘tốt đời đẹp đạo’. Ứng dụng phù hợp và nghiêm túc những lời Phật dạy vào đời sống gia đình thực tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống.


Khi nào nên làm lễ Hằng Thuận

4. Nghi thức lễ Hằng Thuận đầy đủ chi tiết


4.1. Lễ Hằng Thuận diễn ra khi nào trong đám cưới


Bên cạnh 3 nghi lễ chính là lễ Dạm Ngõ, lễ Đính Hôn (Đám Hỏi) và lễ Cưới (Vu Quy - Thành Hôn), lễ Hằng Thuận thường được các gia đình lựa chọn tổ chức vào cùng thời gian với lễ Cưới hoặc sau 1 - 2 ngày so với lễ Cưới.


Cụ thể, nếu làm lễ Hằng Thuận cùng ngày với lễ Cưới có thể lựa chọn 1 trong phương án để thuận tiện cho khách mời và họ hàng hai bên là:


  • Sau lễ Vu Quy ở nhà gái, gia đình hai bên di chuyển đến chùa cử hành lễ Hằng Thuận sau đó tiếp tục đến nhà trai tiếp tục nghi thức gia tiên truyền thống đón dâu.

  • Hoàn thành lễ Vu Quy và Thành Hôn ở hai bên gia đình theo truyền thống, cuối cùng sẽ cùng đến chùa làm lễ Hằng Thuận cuối cùng.


Nghi thức lễ Hằng Thuận đầy đủ chi tiết

4.2. Kịch bản chương trình tổ chức lễ Hằng Thuận


  • Mời gia đình Phật tử ổn định vị trí


Mọi người có mặt ổn định chỗ ngồi, kiểm tra nhang đèn, hương xông đầy đủ trước khi nghinh vị chủ trì hôn lễ lên khán đài. Gia đình nhà trai sẽ đứng bên trái, nhà gái sẽ ở bên phải theo nguyên tắc ‘nam tả, nữ hữu’ theo hướng từ chính điện nhìn ra.


  • Thực hiện những thức chính trong lễ Hằng Thuận


  1. Nguyện Hương

  2. Tán Phật

  3. Đảnh Lễ Tam Bảo

  4. Tuyên Bố Lý Do

  5. Tóm Tắt Chương Trình Lễ Hằng Thuận

  6. Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự

  7. Đại Diện Hai Gia Đình Dâng Lời Tác Bạch

  8. Hứa Khả Của Chư Tôn Đức Tăng (Ni) Chứng Minh

  9. Lễ Bái

  10. Ý Nghĩa Đôi Nhẫn Cưới

  11. Trao Nhẫn Cưới

  12. Huấn Từ Của Chư Tôn Đức Chứng Minh

  13. Cô Dâu - Chú Rể Phát Biểu Cảm Tạ

  14. Hồi Hướng


4.3. Giấy chứng nhận lễ Hằng Thuận


Trong lễ Hằng Thuận, sau khi hoàn thành các nghi thức theo thức tự, dâu rể sẽ cùng nhau ký vào Giấy chứng nhận lễ Hằng Thuận, trao nhẫn và nhận điệp quy y, giấy chứng nhận từ vị Sư tăng chủ trì buổi lễ.


5. Chi phí tổ chức lễ Hằng Thuận


Chi phí tổ chức lễ Hằng Thuận thường có sự chênh lệch dựa trên tính đơn giản hay long trọng theo yêu cầu của cặp đôi. Các khoản trong chi phí lễ Hằng Thuận sẽ bao gồm:


  • Trang trí chính điện, Phật đường nơi tổ chức buổi lễ

  • Cúng dường Tam Bảo hay Trai Tăng

  • Làm mâm cỗ chay mời gia đình và các vị Tăng Ni sau lễ

  • Thuê ekip chụp ảnh, quay phóng sự cưới lễ Hằng Thuận

  • Chi phí di chuyển, phát sinh nếu có,…



Tất cả các khoản chi cho lễ Hằng Thuận thường sẽ giao động ở mức vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng. Các cặp đôi & gia đình nên tham khảo trước với các Sư Trụ Trì hoặc Ban Hướng dẫn Phật tử tại chùa được lựa chọn làm địa điểm tổ chức để có kế hoạch về kinh phí phù hợp, tránh thiếu sót cũng như lãng phí không cần thiết.


6. Lưu ý khi tổ chức lễ hằng thuận trong chùa


Với địa điểm tổ chức là một nơi có nhiều đặc điểm về mặt tâm linh cũng như quy định riêng, các cặp đôi và gia đình nên tham khảo trước một số lưu ý để quá trình chuẩn bị & tổ chức lễ Hằng Thuận diễn ra được suông sẻ và trọn vẹn ý nghĩa


  • Thông báo trước cho nhà chùa về pháp danh của cô dâu - chú rể. Nếu chưa có, dâu rể có thể tiến hành lễ Quy Y trước lễ Hằng Thuận hoặc làm đồng thời trong cùng 1 ngày

  • Địa điểm tổ chức lễ Hằng Thuận tốt nhất vẫn là ngôi chùa nơi cô dâu, chú rể hoặc gia đình làm Phật tử hoặc có mối quan hệ từ trước

  • Dành thời gian lui tới chùa 2-3 lần trước ngày tổ chức lễ Hằng Thuận để đảm bảo mọi thức được chuẩn bị đầy đủ chu đáo

  • Nếu các cặp đôi muốn trang trí không gian tổ chức theo màu sắc riêng nên có sự bàn bạc kỹ lưỡng với nhà chùa. Thông thường các chùa sẽ chủ động chuẩn bị giúp công đoạn này cho lễ Hằng Thuận

  • Nếu có kế hoạch đãi tiệc chay tại nhà chùa sau khi lễ Hằng Thuận kết thúc nên hỏi trước với Sư Trụ Trì hoặc Ban Hướng dẫn Phật tử vì một vài nơi chỉ cho phép mời ăn nhẹ chứ không tổ chức tiệc trong khuôn viên chùa

  • Tốt nhất, cô dâu - chú rể nên mặc áo dài cưới, đồng thời thông báo với các khách mời vềtrang phục tham gia lễ Hằng Thuận cũng phải kín đáo, trang trọng để giữ sự trang trọng cho buổi lễ cũng như không gian chùa


Một lưu ý quan trọng cuối cùng nữa là đừng quên thuê một ekip quay chụp truyền thống và phóng sự cưới với nhiều kinh nghiệm thực tế để có thể ghi lại trọn vẹn từng khoảnh khắc thiêng liêng đánh dấu sự kiện trọng đại trong một nghi lễ tôn nghiêm, mang đậm nét đẹp văn hóa, tinh thần và tâm linh như lễ Hằng Thuận nhé!


7 Lưu ý khi tổ chức lễ hằng thuận trong chùa

Tiếp tục xem thêm Blog Cưới WEDDINGBOOK tại:

Bài Viết Nổi Bật
Hashtag
bottom of page