top of page

Checklist chuẩn bị lễ rước dâu đầy đủ chi tiết

Lễ rước dâu là một trong những nghi thức quan trọng nhất trong đám cưới truyền thống Việt Nam. Đây là dịp để nhà trai chính thức đón cô dâu về làm vợ. Để lễ rước dâu được diễn ra suôn sẻ, cả nhà trai và nhà gái đều cần có sự chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước khi hôn lễ diễn ra.


Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn checklist chuẩn bị lễ rước dâu chi tiết cho nhà trai, bao gồm các việc cần làm trước 3 - 4 tháng, 1 - 2 tháng và 1 tuần trước lễ rước dâu.


1. Nghi thức lễ rước dâu gồm những gì?


Nghi thức lễ rước dâu ở mỗi vùng miền hoặc địa phương đôi khi sẽ có một số sự thay đổi nhỏ trong cách tổ chức cũng như sắm sửa sính lễ, vì vậy bạn cũng cần tìm hiểu kỹ đặc trưng và quan niệm riêng của mỗi gia đình để hiểu rõ về các bước cần thực hiện và chuẩn bị tâm lý cho lễ cưới. Dưới đây là nghi thức lễ rước dâu được xem là phổ biến và thường thấy nhất bao gồm:


  • Đội bê tráp nhà trai đến nhà gái: Đội bê tráp nhà trai sẽ mang theo các tráp lễ vật đến nhà gái. Số lượng tráp lễ vật thường là số lẻ, hoặc tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai gia đình và phong tục địa phương.

  • Lễ xin dâu: Sau khi đội bê tráp nhà trai đến nhà gái, đại diện họ nhà trai sẽ tiến hành lễ xin dâu. Chính thức xin phép gia đình nhà gái cho phép đón cô dâu về nhà chồng.

  • Lễ rước dâu: Sau khi được gia đình nhà gái đồng ý, đội bê tráp nhà trai sẽ tiến hành lễ rước dâu. Lễ rước dâu là nghi thức nhà trai chính thức đưa cô dâu về làm vợ.

  • Lễ ăn hỏi: Sau khi rước dâu về nhà trai, nhà trai sẽ tổ chức lễ ăn hỏi cho cô dâu chú rể. Lễ ăn hỏi là nghi thức thông báo với họ hàng, bạn bè hai bên gia đình về việc kết hôn của cặp đôi.


Thứ tự nghi thức trong lễ rước dâu

2. Chuẩn bị cho lễ rước dâu trước 3 - 4 tháng


2.1. Tân trang nhà cửa


Tân trang nhà cửa trước lễ rước dâu không chỉ là công việc sơn sửa, sắp xếp lại không gian sẽ diễn ra các lễ nghi mà còn là sự chuẩn bị của gia đình nhà trai đối với việc đón một thành viên mới. Đặc biệt, đối với những cặp đôi sống cùng gia đình sau khi kết hôn thì việc chuẩn bị một căn phòng mới khang trang, riêng tư hơn để làm tổ ấm mới cho vợ chồng là điều vô cùng cần thiết.


2.2. Thuê, may trang phục lễ rước dâu


Bên cạnh trang phục dâu rể thường đã được chuẩn bị trong các gói quay chụp thực hiện bởi Studio hay ekip dịch vụ cưới thì trang phục ba, mẹ và anh chị phần lớn phải do chính gia đình tự chuẩn bị. Trong trường hợp này, tùy vào điều kiện kinh tế và sở thích của gia đình mà có thể chọn phương án thuê hoặc may riêng trang phục cho ba, mẹ chú rể. Nếu là may thì nên tiến hành thật sớm để có nhiều thời gian lựa chọn chất liệu, cân đối ngân sách và chỉnh sửa nếu cần thiết.


May hoặc thuê trang phục cho lễ rước dâu

2.3. Sắm sính lễ cho tráp xin dâu


Mâm quả lễ xin dâu là lễ vật nhà trai chuẩn bị để mang đến nhà gái theo phong tục truyền thống nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của gia đình đối với cô dâu. Số lượng và các vật phẩm sửa soạn tráp sính lễ xin dâu thường do nhà trai chuẩn bị theo yêu cầu của nhà gái hoặc dựa trên thỏa thuận của hai gia đình trong lễ hỏi trước đó.


2.4. Mua nhẫn cưới và trang sức


Nhẫn cưới từ lâu được xem là vật đính ước không thể thiếu của mọi cặp đôi trong ngày tổ chức lễ cưới. Bên cạnh đó, giá trị cho một cặp nhẫn cưới cũng không hề nhỏ, chính vì vật nhẫn cưới cần được chuẩn bị trước lễ rước dâu tối thiểu là 2 - 3 tháng để dâu rễ dễ dàng chủ động hơn trong việc lựa chọn thương hiệu, mẫu mã cũng như các đợt ưu đãi vào các ngày lễ lớn như Valentine, 8/3 hay sự kiện mùa cưới.


Mua nhẫn và trang sức cưới cho lễ rước dâu

Ngoài nhẫn cưới, trong lễ gia tiên ở nhà gái trước khi chính thức rước dâu về nhà trai mẹ chồng sẽ chuẩn bị một bộ trang sức cưới để trao cho con dâu mới. Một bộ trang sức cưới hoàn chỉnh thường bao gồm một kiềng vàng, một lắc tay vàng và một đôi hoa tai vàng 24K hoặc 18K, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà bộ vàng cưới có thể có thêm các món trang sức khác như nhẫn, dây chuyền hoặc lắc tay,…



2.5. Chuẩn bị tiền nạp tài


Tiền nạp tài (hay còn có tên gọi khác là tiền nát, tiền dẫn cưới, lễ đen,…) là một khoản tiền mặt được nhà trai bỏ trong phong bì đỏ để mang sang nhà gái trong ngày cử hành lễ rước dâu. Tiền nạp tài không chỉ là cách thức để nhà trai san sẻ một phần chi phí tổ chức đám cưới với nhà gái mà còn là lòng cảm ơn bậc sinh thành của cô dâu đã có công nuôi dưỡng, dạy dỗ con gái nên người như ngày hôm nay.


3. 7 Việc cần làm trước lễ rước dâu 1 - 2 tháng


Trước 1 - 2 tháng là khoảng thời gian quan trọng để bạn hoàn tất các công việc chuẩn bị cho lễ rước dâu thật trọn vẹn. Dưới đây là một số việc cần làm trong thời gian này:


3.1. Mời họ hàng tham dự lễ rước dâu


Lễ rước dâu vốn dĩ chỉ có sự tham gia của gia đình hai bên, tuy nhiên không phải thành viên nào trong gia đình nhà trai cũng sẽ tháp tùng đoàn đại diện sang nhà gái đưa dâu. Vì vậy đừng quên việc lập một danh sách và mời gọi họ hàng tham dự nghi lễ rước dâu, đồng thời thống nhất số lượng có thể tham gia và kế hoạch về thời gian.


3.2. Trang trí gia tiên nhà trai


Bàn thờ gia tiên, cổng hoa, bàn ghế hai họ, hoa tươi, bình trà, ly tách,… là các hạng mục cơ bản mà nhà trai cần chuẩn bị để cử hành lễ rước dâu tại gia sau khi trở về từ nhà gái. Ngoài ra, tùy vào cấu trúc nhà, diện tích và số lượng người tham dự mà nhà trai nên đặt dịch vụ trang trí gia tiên sớm để nhận được sự tư vấn thiết kế và thi công phù hợp nhất.


Trang trí gia tiên cho lễ xin dâu nhà trai

3.3. Đặt ekip quay chụp


Tùy theo nhu cầu muốn lưu lại kỷ niệm theo kiểu truyền thống hay phóng sự mà gia đình và cặp đôi có thể đặt ekip chụp ảnh cưới hoặc quay phim để tránh trường hợp Studio cứng lịch vào những ngày cao điểm mùa cưới.


3.4. Chọn đội bưng quả


Đội bưng quả không chỉ có trách nhiệm giúp nhà trai chuyển toàn bộ sính lễ xin dâu toàn vẹn đến nhà gái mà còn là điểm nhấn góp phần làm cho buổi lễ xin dâu thêm phần vui tươi và ấn tượng nhờ đội hình, trang phục và phong cách đồng đều. Tuyệt vời nhất chú rể nên mời những người bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của mình tham gia đội bưng quả. Nếu không đủ số lượng người có thể tham gia, việc chọn dịch vụ thuê đội bưng quả cũng là phương án an toàn đáng cân nhắc.


Chọn đội bưng quả đi rước dâu

3.5. Chọn chú rể phụ


Chú rể phụ thường là người anh em hoặc bạn bè thân thiết của chú rể. Trong lễ rước dâu, rể phụ sẽ là người tháp tùng cùng chủ hôn vào nhà gái xin làm lễ nhập gia. Để tìm chú rể phụ, chú rể hãy ngỏ lời trước với anh em bạn bè thân thiết để xác nhận việc có tham dự được hay không, ngoài ra hãy quan tâm đến trang phục của chú rể phụ để lễ rước dâu của đôi bạn thể hiện sự trang trọng, đồng bộ và đẹp mắt.


3.6. Mời chủ hôn


Chủ hôn cho lễ rước dâu thường phải là người có tài ăn nói và giao tiếp khéo léo để thay mặt nhà trai phát biểu ở nhà gái. Chủ hôn nên là người đứng tuổi và có vai vế trong gia đình như ông nội, ông ngoại, chú, bác hoặc bạn bè thân thiết của ba mẹ, ông bà,…


Mời chủ hôn cho lễ rước dâu

Trong trường hợp gia đình không có ai tự tin đứng ra làm chủ hôn, nhà trai có thể cân nhắc tìm các dịch vụ thuê chủ hôn chuyên nghiệp để lễ rước dâu được cử hành suôn sẻ, tốt đẹp.


3.7. Đặt tiệc mừng sau lễ rước dâu


Kết thúc lễ rước dâu về nhà trai, gia đình chú rể có thể tổ chức một buổi tiệc nhỏ thân mật để chiêu đãi các thành viên có mặt trong ngày trọng đại.


Chuẩn bị tiệc mừng lễ rước dâu

Dựa trên số lượng khách mời và không gian tư gia nhà trai mà chú rể và gia đình có thể lựa chọn đặt dịch vụ nấu tiệc chiêu đãi tại gia, đặt tiệc nhà hàng hoặc tự tay làm ‘đạo diễn’ cho bữa tiệc.


4. Checklist cần làm trong 1 tuần trước lễ rước dâu


1 Tuần trước lễ rước dâu không chỉ là thời gian quan trọng nhất để dâu rể kiểm tra lại các hạng mục đã chuẩn bị xong mà còn là lúc hoàn thiện các việc cần làm cuối cùng trước ngày tổ chức hôn lễ.


4.1. Lau dọn bàn thờ gia tiên


Dù đã thuê dịch vụ trang trí lễ gia tiên nhưng bàn thờ ông bà vẫn nên do con cháu trong gia đình lau dọn tươm tất trước ngày chuẩn bị lễ rước dâu. Bạn có thể dùng nước ấm hoặc rượu pha với gừng tỏi và một số thảo dược như quế, hồi, đinh hương, bạch đà,… để việc lau dọn nhanh chóng hơn cũng như mang lại tác dụng tẩy uế, trừ tà, tạo sự thanh tịnh cho bàn thờ gia tiên.


Lau dọn bàn thờ gia tiên trước lễ rước dâu

4.2. Soạn kịch bản phát biểu trong lễ rước dâu


Soạn kịch bản phát biểu trong lễ rước dâu là công việc quan trọng mà nhiều gia đình thường dễ quên mất trong quá trình chuẩn bị. Một kịch bản được soạn sẵn trước với vị chủ hôn và phổ biến cho hai bên gia đình sẽ giúp tất cả mọi người cùng nắm rõ chương trình lễ và những nội dung quan trọng cần có trong nghi thức lễ rước dâu. Đảm bảo tất cả mọi thứ sẽ diễn ra trang trọng, suôn sẻ và tránh được nhiều sai sót không đáng có.


4.4. Đặt hoa cưới cầm tay và cài áo


Trong lễ rước dâu, chú rể sẽ mang theo một bó hoa cưới để trao cho cô dâu ngay lúc gặp mặt và cô dâu sẽ cầm bó hoa đó cho đến khi mọi nghi thức đc hoàn thành. Vì vậy, trước lễ rước dâu cặp đôi nên dành thời gian đến cửa hàng hoa để cùng nhau thống nhất loại hoa cũng như cách bó theo sở thích của cô dâu để nàng có bó hoa cưới ưng ý nhất trong ngày trọng đại.





4.5. Bỏ phong bì lì xì cho đội bưng quả


Phong bì lì xì đội bưng quả là một khoản tiền nhỏ cô dâu chú rể chuẩn bị để ‘giữ duyên’ cho những người đã giúp mình bê tráp sính lễ trong lễ rước dâu. Số lượng phong bì tương ứng với số lượng thành viên bưng quả ở cả nhà trai lẫn nhà gái, mệnh giá mỗi bao lì xì thường tương đương nhau từ 50.000 - 100.000 VNĐ tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình.


Chuẩn bị lì xì cho đội bưng quả trong lễ rước dâu

Trên đây là danh sách các việc nhà trai cần chuẩn bị cho lễ rước dâu được chia theo 3 giai đoạn giúp việc kiểm tra tiến độ và thực hiện mỗi đầu mục được dễ dàng hơn. Hy vọng những thông tin WEDDINGBOOK mang lại trong bài viết sẽ hữu ích cho các cặp đôi cũng như gia đình trong quá trình chuẩn bị cho nghi thức cưới quan trọng này.

Xem thêm nhiều nội dung khác tại Blog Cưới WEDDINGBOOK

Bài Viết Nổi Bật
Hashtag
bottom of page