Bạn đang tìm hiểu về lễ lại mặt và muốn hiểu rõ về ý nghĩa và quy trình của nghi thức này? Trong bài viết này, hãy cùng WEDDINGBOOK tìm hiểu về lễ lại mặt, cũng như những khâu chuẩn bị quan trọng trong việc tổ chức nghi thức sau đám cưới này nhé!
Lễ lại mặt là gì?
Lễ lại mặt (hay còn gọi là lễ nhị hỷ hoặc tứ hỷ) là một phần trong nghi thức cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam. Đây là một buổi lễ diễn ra sau ngày cưới, tại nhà cô dâu. Khi đó, đại diện gia đình nhà trai cùng chú rể sẽ đến nhà gái để tổ chức một buổi gặp gỡ, thăm hỏi và trao lễ vật để thể hiện sự chân thành và tôn trọng gia đình cô dâu.
Ý nghĩa của việc tổ chức lễ lại mặt sau cưới
Lễ lại mặt trong nghi thức cưới hỏi của Việt Nam có nhiều ý nghĩa quan trọng cả về mặt hình thức lẫn tinh thần. Thể hiện sự tôn trọng và gắn kết các thế hệ thành viên trong gia đình, khi đôi vợ chồng mới cưới quay trở lại nhà gái để chào hỏi và thể hiện sự biết ơn đối với công ơn sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu, đồng thời bày tỏ lời chúc mừng và sự trân trọng đối với sự hỗ trợ và chấp nhận của gia đình.

Ngoài ra, lễ lại mặt cũng là một sự kiện đánh dấu việc cô dâu chính thức trở thành thành viên mới trong gia đình chồng và bắt đầu cuộc sống mới tại nhà chồng. Đây là thời điểm mà hai gia đình có thể chia sẻ niềm vui và cùng nhau tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và ấm cúng.
Thời gian và quy trình tổ chức lễ lại mặt đầy đủ chi tiết
Phụ thuộc vào phong tục tập quán và nghi thức cưới hỏi của từng vùng miền mà quy trình tổ chức lễ lại mặt có thể có sự thay đổi đôi chút. Vì vậy, các cặp đôi cũng nên có sự thảo luận với gia đình hoặc những người có kinh nghiệm trong dòng họ để có thể dễ dàng hoàn thành nghi thức cưới hỏi này một các trọn vẹn và phù hợp với điều kiện nhất.
1. Lễ lại mặt sẽ diễn ra khi nào?
Theo truyền thống, lễ lại mặt thường diễn ra sau ngày cưới, khi cặp đôi mới cưới quay về thăm gia đình của cô dâu. Thời điểm cụ thể để tổ chức lễ lại mặt thường được hai gia đình thỏa thuận, có thể là ngay sau ngày thành hôn hoặc trong vòng 2 đến 3 ngày sau đám cưới, đôi khi có thể sau đến vài tuần sau.

2. Lễ lại mặt sẽ được tổ chức ở đâu?
Lễ lại mặt thường được tổ chức tại nhà của cô dâu, nơi gia đình của cô dâu sinh sống. Sau khi cô dâu và chú rể đã hoàn thành các nghi thức cưới hỏi và chính thức trở thành vợ chồng. Cặp đôi sẽ quay về nhà của cô dâu để gặp gỡ, chào hỏi bố mẹ và tổ chức một buổi tiệc nhỏ chúc mừng trong gia đình. Tuy nhiên, lễ lại mặt nhà gái đôi khi có thể diễn ra ở một địa điểm khác thuận lợi hơn cho việc di chuyển và tổ chức như nhà hàng, phòng tiệc,... tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai nhà.
3. Ai sẽ là người cần phải tham gia lễ lại mặt?
Lễ lại mặt nhất thiết phải có sự góp mặt của cô dâu - chú rể & bố mẹ vợ. Ngoài ra, những thành viên trong đoàn rước lễ trong gia đình chú rể có thể là ba mẹ hoặc anh - chị - em thân thiết. Trong đó trưởng nam có trách nhiệm đại diện cho gia đình trai phát biểu, cũng như thực hiện các nghi lễ chính trong buổi lễ.

4. Lễ lại mặt cần chuẩn bị những gì?
Tuy là một nghi lễ nhỏ được tổ chức thân mật trong gia đình nhưng lễ lại mặt cũng là một phần trong số 5 nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới truyền thống của người Việt. Vì vậy, để đảm bảo sự tròn vẹn và hoàn hảo của hôn lễ, các cặp đôi nên có sự chuẩn bị trước cho lễ lại mặt bằng việc mua sắm và đặt trước một số thứ cần thiết như:
Không gian nhà cô dâu và bàn thờ gia tiên nên được dọn dẹp gọn gàng, thoáng đãng và trang trí bằng một ít hoa tươi
Lễ vật trao đổi giữa hai gia đình thường bao gồm các món quà như bánh, trái cây, rượu, lạp xưởng, bánh chưng, vàng, hoa quả, các loại chè, lư hương, câu đối... gói trong hộp quà hoặc mâm quả trang trọng
Trang phục phù hợp cho đôi vợ chồng mới như áo dài truyền thống, áo gấm hoặc váy - vest đơn giản
Thực đơn ăn nhẹ, đồ uống và Menu chiêu đãi đủ để tiếp đón khách mời hai bên gia đình
Nếu gia đình nhà trai có điều kiện thì nên chuẩn bị thêm tiền lễ đặt trong phong bì đỏ đặt kèm lễ vật

5. Có bắt buộc phải làm lễ lại mặt không?
Lễ lại mặt trong nghi thức cưới hỏi là một truyền thống trong văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng nhất thiết phải tổ chức nghi lễ này. Việc tổ chức lễ lại mặt hoặc không là do quyết định của gia đình và đôi vợ chồng mới cưới, vì không có quy định rõ ràng rằng lễ lại mặt là bắt buộc trong mọi trường hợp. Các gia đình thường tổ chức lễ lại mặt để tạo sự gắn kết và lan tỏa truyền thống gia đình, trong khi những gia đình khác có thể chọn bỏ qua nghi thức này nếu không phù hợp hoặc không có điều kiện.

Những việc cô dâu - chú rể nên kiên kỵ trong lễ lại mặt
Tuy chỉ là một nghi thức sau cùng trong 5 nghi thức cưới hỏi và đã được đơn giản hóa đi nhiều nhưng các cặp đôi vẫn cần lưu ý một số điểm đặc biệt kiên kỵ trong ngày tổ chức lễ lại mặt để có một ngày thăm hỏi bố mẹ thật ấm cúng, hạnh phúc và may mắn nhé.
1. Không về một mình
Vợ chồng mới cưới không nên về nhà của cô dâu một mình trong ngày lễ lại mặt. Thay vì đó, cặp đôi nên sắp xếp thời gian đi cùng nhau để tạo sự gắn kết và tôn trọng người lớn trong nhà. Trong trường hợp nếu một trong hai người có việc bận đột xuất, cặp đôi nên xin lỗi gia đình và lùi lịch lễ lại mặt lại ngày khác để đảm bảo cả hai có thể tham dự.
2. Không về khi chiều muộn
Trong ngày lễ lại mặt, đôi vợ chồng mới nên về nhà cô dâu từ sáng sớm để có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và phụ giúp mọi người làm cơm và chuẩn bị dâng hương lên bàn thờ gia tiên. Tuyệt đối không được về khi trời đã ngã chiều vì khi đó mọi thứ đã chuẩn bị xong, các thành viên trong gia đình sẽ cảm thấy xa lạ và không được tôn trọng.
3. Không về tay không
Cô dâu và chú rể không nên về nhà của cô dâu tay không trong lễ lại mặt. Cặp đôi nên mang theo một số đồ vật hoặc quà tặng nhỏ như lễ vật để trao đổi với gia đình của cô dâu, tượng trưng cho sự biếu tặng và tôn trọng.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã biết thêm về khái niệm lễ lại mặt cũng được giải đáp các câu hỏi liên quan đến quá trình chuẩn bị và tổ chức lễ lại mặt tại nhà gái. Để tìm hiểu thêm về nhiều phong tục cưới hỏi truyền thống khác tại Việt Nam, đừng quên truy cập chuyên mục Phong tục cưới của Blog Cưới WEDDINGBOOK nhé!