top of page

Mâm lễ dạm ngõ gồm những gì? Những điều cần biết về tráp dạm ngõ truyền thống

Mâm lễ dạm ngõ (hay tráp dạm ngõ) là một phần quan trọng của buổi lễ dạm ngõ của gia đình nhà trai và nhà gái trước đám cưới. Tuy nhiên, mâm lễ dạm ngõ gồm những gì? là điều mà không phải ai cũng nắm rõ. Hãy cùng WEDDINGBOOK tìm hiểu về những điều cần biết về tráp dạm ngõ truyền thống qua bài viết dưới đây để khâu chuẩn bị sính lễ dễ dàng và suôn sẻ hơn nhé!

Mâm lễ dạm ngõ gồm những gì?


Tráp dạm ngõ là một phần trong phong tục truyền thống của lễ dạm ngõ tại Việt Nam, khi nhà trai mang theo một số sính lễ đến nhà gái để ngỏ lời cưới cô con gái về nhà. Tùy vào đặc trưng về văn hóa và đặc trưng vùng miền mà lễ vật cụ thể trong tráp dạm ngõ sẽ có một chút thay đổi, số lượng của từng sính lễ trong tráp cũng có thể chênh lệch ít nhiều tùy thuộc vào điều kiện và tài chính của gia đình nhà trai. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ý nghĩa và sự chân thành mà gia đình chú rể gửi gắm vào những món quà được kỳ công chuẩn bị trước khi mang đến nhà cô dâu.


1. Trầu cau


Quan trọng nhất trong sính lễ dạm ngõ chính là món trầu cau. Không chỉ vì "Miếng trầu là cầu câu chuyện" giúp nhà trai mở lời xin gả con dâu mà miếng trầu trong quan niệm dân gian còn là biểu tượng của sự son sắt, thủy chung và gắn bó bền chặt trong mối quan hệ - điều mà mọi cặp đôi đều hướng đến trong cuộc sống hôn nhân.

Số lượng trầu cau trong mâm lễ dạm ngõ không cần nhiều, thường chỉ dưới 20 quả và có thể là những con số mang ý nghĩa đặc biệt trong phong thủy như số 9 - Vì số 9 vốn được xem là con số đại diện cho sự tròn vẹn, viên mãn và trường tồn.


2. Hộp chè trong tráp dạm ngõ


Tiếp theo, chè là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ dạm ngõ truyền thống với quan niệm kết nối cuộc trò chuyện và tạo sự giao lưu đàm đạo, đồng thời cũng thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với người lớn và các bậc sinh thành trong nghi thức dâng trà báo cáo hỷ sự lên tổ tiên trong ngày vui của đôi bạn.

Đối với chè, gia đình nhà trai có thể lựa chọn loại hộp chè khối lượng giao động từ 100g đến 500g phụ thuộc vào kích thước của mâm tráp dạm ngõ và có thương hiệu được nhiều người biết đến để tạo điểm chất lượng cho mâm lễ.


3. Chọn bánh cho mâm lễ dạm ngõ


Ngoài hai lễ vật chính là trầu cau và hộp chè, phần bánh trong tráp dạm hỏi có thể thay đổi tùy thuộc vào văn hóa, cũng như đặc trưng vùng miền của gia đình chú rể. Cụ thể, bánh trong mâm lễ miền Bắc thường là bánh phu thê, miền Trung là bánh Hồng còn miền Nam thì thường ưa chuộng chọn bánh Pía.


4. Hoa quả


Để giúp cho mâm lễ dạm ngõ thêm phần đầy đặn và phong phú, nhà trai nên sắp thêm một ít hoa quả tươi có màu sắc nổi bật như cam, vàng, đỏ và dễ cố định trong quá trình di chuyển và trao sính lễ sang nhà gái.

5. Phụ kiện trang trí tráp dạm ngõ


Về phần trang trí, dựa trên sở thích và truyền thống địa phương, nhà trai có thể trang trí thêm cho mâm lễ dạm ngõ bằng hoa tươi hoặc một số phụ kiện khác như chữ song hỷ, nơ lụa,... nđể tạo điểm nhấn và thể hiện được sự chu đáo, cẩn thận của gia đình nhà trai trong việc chuẩn bị sính lễ.

Nếu lựa chọn hoa tươi làm phụ kiện trang trí cho tráp dạm ngõ, nhà trai hãy ưu tiên chọn những loại hoa có mùi hương dễ chịu và độ tươi lâu để dễ dàng bảo quản trong quá trình di chuyển , cử hành các nghi thức và trưng trên bàn thờ gia tiên.


Ý nghĩa của mâm lễ dạm ngõ trong cưới hỏi


Mặc dù không quá cầu kỳ và phức tạo trong quá trình chuẩn bị nhưng mâm lễ dạm ngõ có một ý nghĩa quan trọng trong văn hóa cưới hỏi của người Việt Nam. Mâm lễ dạm ngõ vừa là cách nhà trai gửi lời chào chính thức đến nhà gái, xin phép để lứa đôi được tiếp tục tìm hiểu đến tiến đến hôn nhân, đồng thời là lễ vật thể hiện lòng tôn trọng và biết ơn gia đình nhà gái vì đã nuôi dạy và đồng ý gả con gái cho gia đình nhà trai.

Điểm khác nhau của mâm lễ dạm ngõ ở 3 Miền


Để chuẩn bị cho lễ dạm ngõ, đôi khi nhà trai chỉ cần một cơi trầu, một chai rượu ngon là đủ. Nhưng việc sắp lễ theo phong tục tập quán của mỗi vùng miền luôn được ưu tiên bởi vừa thể hiện được nét đẹp văn hóa của địa phương vừa thể hiện sự chân thành và chỉnh chu của người tặng sính lễ.


1. Mâm lễ dạm ngõ miền Bắc


Trong phong tục lễ dạm ngõ của 3 miền thì mâm lễ dạm ngõ miền Bắc có lẽ là đầy đủ và chỉnh chu nhất bao gồm:

  • Trầu cau

  • Hộp chè

  • Rượu

  • Hoa quả

  • Bánh

Các sính lễ trong tráp dạm ngõ miền Bắc thường được xếp thành dạng hình tháp cao và phủ khăn đỏ, tuy nhiên trong một số trường hợp nhà trai cũng có thể tách từng món lễ vật ra nhiều tráp khác nhau với số lượng tăng lên đủ để có thể xếp thành hình tháp cao cho từng tráp.

2. Mâm lễ dạm ngõ miền Nam


Cũng như tính cách chân chất, rộng lượng và thoải mái của người miền Nam mà mâm lễ dạm ngõ nơi đây chỉ cần những lễ vật đơn giản sắp xếp chỉnh chu là đủ. Mâm lễ dạm ngõ miền Nam thường có:

  • Cặp trà

  • Cặp rượu

  • 5 Loại trái cây

  • Trầu têm cánh phượng

Đặc biệt, ở khu vực Tây Nam Bộ nếu gia đình đôi bên đều không quá đặt nặng chuyện lễ vật thì nhà trai chỉ cần sắm khay trầu và chai rượu làm sính lễ dạm ngõ cũng được nhà gái chấp nhận và xem như là đủ tráp. Cũng chính vì sự phổ biến này mà lễ dạm ngõ ở miền Nam còn được gọi là lễ bỏ rượu hay lễ đám nói, lễ đi nói.


3. Mâm lễ dạm ngõ miền Trung


Vốn nổi tiếng với văn hóa "trọng lễ nghi khi tài vật" người miền Trung thường đặt nặng vấn đề tổ chức nghi thức lễ dạm ngõ theo đúng trình tự truyền thống còn sính lễ thì không bắt buộc phải cầu kỳ. Để chuẩn bị mâm lễ dạm ngõ miền Trung nhà trai chỉ cần:

  • Khay trầu cau

  • Rượu gói giấy đỏ

  • Bánh (nếu có nên chọn loại đặc sản của địa phương vừa tránh cầu kỳ khó khăn vừa dễ hợp ý nhà gái)

Ngày nay, việc kết hôn và tổ chức lễ dạm ngõ giữa những những người đến từ nhiều nền văn hóa và vùng miền khác nhau không còn xa lạ, chính vì thế điểm khác biệt của mâm lễ dạm ngõ 3 miền trên gần như là tương đối. Trong lúc chuẩn bị tráp dạm ngõ, tốt nhất nhà trai nên thăm dò trước phía nhà gái để biết gia đình đàng gái là người miền nào, cũng như đang giữ phong tục tập quán của địa phương nào để mua sắm sính lễ phù hợp.


Những điều cần biết về tráp dạm ngõ truyền thống


1. Ai là người bê tráp dạm ngõ?


Người bê tráp dạm ngõ nên là một phụ nữ lớn tuổi và có vai vế đại diện cho gia đình chú rể như mẹ hoặc bác gái. Trong trường hợp không tìm được người bê tráp dạm ngõ phù hợp, chú rể có thể tự bê mâm lễ dạm ngõ và trao cho đại diện gia đình nhà gái.

2. Nên đặt mua hay làm mâm lễ dạm ngõ?


Nhà trai có thể tự sắm lễ vật xếp lên tráp dạm ngõ đơn giản hoặc đặt các đơn vị chuyên làm mâm lễ dạm ngõ tùy vào ngân sách và độ phức tạp mà nhà trai mong muốn.


3. Mâm lễ dạm ngõ bao nhiêu tiền?


Giá tiền của một mâm lễ dạm ngõ tùy thuộc theo chất lượng của các món lễ vật và cách bày trí, sắp xếp trên tráp theo kiểu đơn giản hay cầu kỳ theo yêu cầu của họ nhà trai, ví dụ như:

  • Mâm lễ dạm ngõ đơn giản: Thường chỉ có các lễ vật thông dụng đặt trong khau sơn son đỏ phủ bằng vải có chữ Hỷ đơn giản có giá thành giao động trong khoàng trên dưới 1 triệu đồng

  • Mâm lễ dạm ngõ đẹp ý nghĩa: Với các loại lễ vật được chọn lựa có thương hiệu, tên gọi và màu sắc hài hòa theo tone màu hợp với quan niệm phong thủy và đẹp mắt, mâm lễ dạm ngõ đẹp ý nghĩa trên thị trường thường có giá thành cao hơn một chút rơi vào khoảng 2 đến 3 triệu đồng

  • Mâm lễ dạm ngõ cao cấp: Bằng việc chọn lọc những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường bày trí trên mâm sơn mài hoặc giỏ cói kết tay sang trọng với giấy phủ lấp lánh và phụ kiện trang trí tinh tế, những loại tráp dạm ngõ cao cấp có giá thành khá cao khoảng vài triệu đồng trên thị trường

XEM THÊM:
Bài Viết Nổi Bật
Hashtag
bottom of page